Công ty TNHH Profesfar Việt Nam ×

Danh mục sản phẩm

Nhện gié hại lúa

Nội dung [Hiện]
Triệu chứng nhện gié gây hại trên lúa
Triệu chứng nhện gié gây hại trên lúa

Thông tin chung

Nhện gié gây hại cho lúa ở mọi giai đoạn từ khi gieo mạ đến trổ chín và trên mọi bộ phận của cây lúa như bẹ lá, gân lá, gié lúa và trong hạt lúa. Chúng gây hại cho lúa bằng cách chích hút nhựa cây để lại nhiều sọc dài màu nâu tím bên ngoài bẹ lá.

Sự gây hại của nhện gié còn tạo ra các vết thương cơ giới, là điều kiện thuận lợi cho một số loài nấm, vi khuẩn xâm nhập, phát triển và gây hại như Sarocladium oryzae, Curvularia sp., Alternaria padwrekii, trong đó chủ yếu là nấm Sarocladium oryzae gây bệnh thối bẹ.

Không chỉ làm giảm năng suất mà nhện gié còn làm giảm tỷ lệ gạo thương phẩm, chất lượng gạo cũng giảm theo. Trên các giống lúa khác nhau thì mức độ gây hại và mật độ nhện cũng khác nhau.

Đặc điểm hình thái, sinh học

Nhện gié có tên khoa học là Steneostarsonemus spinki Smiley, có kích thước rất nhỏ, rất khó phát hiện bằng mắt thường.

Nhện gié trong bẹ lá lúa soi dưới kính lúp điện
Nhện gié trong bẹ lá lúa soi dưới kính lúp điện

Nhện trưởng thành có kích thước rất nhỏ khoảng 0,2-1mm, trong suốt hoặc màu nâu sáng, có 8 chân. Cơ thể con đực thường ngắn hơn con cái, đôi chân sau cùng thường to hơn đôi chân sau của con cái và được sử dụng như một cái kẹp để tự vệ.

Nhện cái có khả năng đẻ được 25 trứng riêng lẻ trên bẹ lá phía trên mặt nước, trứng dạng bầu dục, trắng đục, các trứng không được thụ tinh sẽ nở ra nhện đực.

Khả năng đẻ trứng của nhện gié cái
Khả năng đẻ trứng của nhện gié cái

Trứng rất nhỏ có dạng hình quả trứng, màu trắng hoặc màu trắng đục, đẻ rải rác trong bẹ lá. Vòng đời nhện gié tùy thuộc vào nhiệt độ, dao động từ 8-10 ngày, trứng 2-3 ngày, nhện non 3-4 ngày, nhện trưởng thành 2-3 ngày.

Vòng đời nhện gié tại Việt Nam ở ngưỡng 25 độc C và 30 độ C
Vòng đời nhện gié tại Việt Nam ở ngưỡng 25 độc C và 30 độ C

Nhện non cơ thể nhọn, dài, chỉ có 3 cặp chân. Nhện non ngừng hoạt động trong khoảng 1 ngày trước khi chuyển sang trưởng thành, nhện non không thể tự di chuyển được phải nhờ con đực trưởng thành mang đi.

Khi lúa ở thời kỳ nhỏ nhện gié chích hút bên ngoài bẹ hoặc vị trí tiếp giáp giữa bẹ và thân cây. Vết hại lúc đầu là các chấm màu trắng vàng, sau lan rộng tạo thành những đám trông như vết cạo gió màu nâu hoặc nâu đen.

Triệu chứng gây hại của nhện gié quan sát từ bên ngoài bẹ lá
Triệu chứng gây hại của nhện gié quan sát từ bên ngoài bẹ lá

Đến giai đoạn lúa làm đòng nhện gié đục vào bên trong và sống ở khoang mô bẹ lá và gân lá, tạo thành nhiều sọc dài màu tím chạy dọc theo bẹ lá làm cho lá có màu thâm đen. Khi lúa trổ chín, nhện gié gây hại trên nhiều bộ phận như bẹ lá, gân lá, thân, bông và trên hạt. Khi mật số cao chúng bò lên bông lúa và chích hút cuống bông, cuống gié và bông lúa trước khi trỗ.

Triệu chứng gây hại của nhện gié quan sát từ bên trong bẹ lá
Triệu chứng gây hại của nhện gié quan sát từ bên trong bẹ lá

Trong thời kỳ lúa làm đòng mà bị nhện gié tấn công mạnh sẽ làm cây lúa thiếu dinh dưỡng dẫn đến lúa không trổ thoát, hạt lúa bị biến dạng méo mó, lép lửng nhiều, màu nâu đen lốm đốm hoặc thâm đen đều trên cả hạt. Các bông lúa bị hại thường mọc thẳng đứng vì phần lớn số hạt bị lép làm giảm năng suất.

null

Biện pháp phòng trừ

Sau khi thu hoạch lúa, rải rơm đốt đồng trước khi làm đất nếu là vùng thường xuyên có nhện gié xuất hiện. Cày ải phơi đất, vệ sinh đồng ruộng, phun thuốc diệt sạch cỏ bờ bằng thuốc Metxi 200SL để diệt lúa chét, lúa rày, các loại cỏ bờ.

Sạ lúa theo hàng với mật độ vừa phải, bón phân cân đối giữa đạm-lân-kali. Bảo vệ thiên địch trong ruộng lúa, một số loại nhện và ong nội ký sinh có khả năng kiềm chế mật số nhện gié.

Cung cấp đủ nước cho ruộng lúa vì nhện gié thích hợp điều kiện ruộng khô. Luân canh cây trồng bằng cách trồng cây trồng cạn để cắt đứt vòng đời của chúng như các cây họ đậu đồng thời làm tăng độ phì của đất.

Triệu chứng gây hại của nhện gié trên cây lúa
Triệu chứng gây hại của nhện gié trên cây lúa

* Biện pháp hóa học:

Nhện xuất hiện nhiều ở giai đoạn bắt đầu làm đòng đến trổ, vì vậy cần phát hiện sớm, phun thuốc trừ ngay từ thế hệ đầu tiên mới có hiệu quả cao. Có thể sử dụng một số thuốc hóa học đặc trị nhện như kết hợp Afudan 20SC với Emacao-TP 75WG

null
Biện pháp phòng trừ nhện gié, đục thân, cuốn lá, rầy nâu, bọ trĩ

Trước khi phun thuốc cần vô nước cho mực nước ruộng cao để đẩy nhện gié di chuyển lên phía trên thân lúa dễ dính thuốc. Do nhện gié sống trong bẹ lá lúa nên cần phun lượng nước cao mới có thể tiêu diệt được chúng 1,5-2 bình 16 lít cho 500 m2.

  • Nhện gié gây hại trên bẹ lá, thân lá, gân lá và cả trong bông lúa, hạt lúa.
  • Vết đục hình tròn, tam giác, đa giác hoặc là một khe hẹp và dài
  • Trên bông lúa có hiện tượng bông lúa trỗ không thoát, nghẹn đòng và toàn bộ hạt đen lép
  • Tại vị trí gây hại, nhện gié thường tụ tập thành nhóm để cùng phát triển. Tuỳ vết bệnh cũ hay mới mà sự phân bố các pha nhện cũng khác nhau.

Biên soạn: Thạc sĩ. Phan Anh Thế - Profesfar Việt Nam

Thông tin được cung cấp trên trang web này chỉ mang tính chất tham khảo. Luôn tham khảo nhãn sản phẩm và tờ rơi đi kèm để biết đầy đủ thông tin chi tiết và hướng dẫn sử dụng. Hoặc tham vấn ý kiến của cán bộ chuyên môn tại địa phương để được hướng dẫn chi tiết hơn. Mọi hỗ trợ có thể liên hệ số 099.333.677