Công ty TNHH Profesfar Việt Nam ×

Danh mục sản phẩm

Biện pháp phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ

Nội dung [Hiện]

null

Quy luật gây hại của SCLN như sau

Trứng được đẻ rải rác trên lá, thường là mặt dưới và cạnh gân chính giữa của lá. Sâu non nhả tơ cuốn dọc lá lúa thành một bao thẳng đứng hoặc bao tròn gập lại.

Sâu cuốn lá nhỏ hại lúa
Sâu cuốn lá nhỏ hại lúa

Sâu nằm trong bao tổ ăn phần biểu bì mặt trên và diệp lục và không ăn biểu bì mặt dưới lá, dọc theo gân lá tạo thành những vệt trắng dài, các vệt này có thể nối liền nhau thành từng mảng.

Sau khi qua giai đoạn sâu non, sâu hóa nhộng kéo dài 5 - 7 ngày rồi vũ hóa trưởng thành (còn gọi là ngài). Đặc điểm của ngài SCLN là có tính hướng sáng mạnh, thường bay vào đèn. Ngoài ra, ngài thường bay đến các ruộng gần bờ mương, đường đi, vườn, nhà ở, vì thế việc phát hiện SCLN không khó.

Trứng sâu cuốn lá nhỏ
Trứng sâu cuốn lá nhỏ

SCLN thường xuất hiện trong điều kiện thời tiết có nắng mưa xen kẽ, nhiệt độ từ 24 - 29 độ C, ẩm độ trên 80%. Mỗi con sâu non có thể gây hại từ 5 - 9 lá, chúng có thể di chuyển từ lá này sang lá khác, thời gian di chuyển thường diễn ra từ 17 - 21 giờ.

Sâu có thể phá hại suốt ngày đêm, nên tốc độ gây hại rất nhanh, nếu chủ quan sẽ không kịp cứu vãn.

Vòng đời sâu cuốn lá nhỏ
Vòng đời sâu cuốn lá nhỏ

Thường thì việc phun thuốc trừ SCLN của nông dân hiệu quả không cao. Ngoài thói quen phòng trừ muộn, đến khi đã thấy trắng lá mới phun (tuổi 3-5) thì một quan điểm sai lầm mà người nông dân thường mắc phải là xử lí các nhóm thuốc không chọn lọc ở giai đoạn lúa đẻ nhánh đã làm giảm mật độ thiên địch và sử dụng các thuốc dòng tiếp xúc khi sâu đã chui vào tổ hoặc đã tự cuốn tổ (tuổi 2-3).

Vì vậy để xác định chính xác thời điểm xử lý cần biết vòng đời SCLN kéo dài trong khoảng từ 25-30 ngày. Sau khi thấy trưởng thành ra rộ trên đồng ruộng thì sau từ 4-5 ngày sẽ có sâu tuổi 1.

Mỗi tuổi kéo dài khoảng 3 ngày, nghĩa là sau khi thấy trưởng thành ra rộ thì sau 4-7 ngày là thời điểm phòng trừ thích hợp nhất. Nếu xác định được ngày xuất hiện lứa trước, thì lứa sau sẽ xuất hiện sau 25 - 30 ngày sau đó.

Ở giai đoạn đẻ nhánh nếu đã bị hại trắng lá (sâu đã tuổi 4-5) thì không nên phòng trừ nữa mà sau đó 2 tuần phòng trừ là thích hợp nhất. Xử lý khi sâu tuổi 1-2, vì tuổi lớn hơn phòng trừ sẽ không hiệu quả do lúc đó sâu đã vào tổ thuốc sẽ không tiếp xúc được với sâu.

null
Thời điểm xuất hiện Sâu cuốn lá nhỏ trong 1 vụ lúa

Khi sâu ở tuổi 3-4 thì cơ bản lá lúa đã bị trắng, mất hết phần biểu bì chỉ còn lại gân lá thì kể cả các thuốc nội hấp lưu dẫn cũng không thể hấp thụ và lưu dẫn được.

Trong một vụ lúa, SCLN thường xuất hiện ở 3 thời điểm: giai đoạn đẻ nhánh, giai đoạn bắt đầu làm đòng và giai đoạn lúa trỗ. Giai đoạn cây lúa làm đòng là thời điểm quan trọng nhất, lúc này cây lúa sẽ không mọc thêm lá, nên nếu mất đi lá nào nghĩa là mất đi lá đó, có thể mất trắng mùa vụ.

Một đặc tính quan trọng của SCLN là gối lứa, khi mật độ cao trong một thời điểm có thể có nhiều pha phát dục khác nhau. Khuyến cáo phòng trừ khi mật độ sâu non từ 50 con/m2 trở lên đối với lúa thời kỳ đẻ nhánh, từ 30 con/m2 trở lên đối với thời kỳ làm đòng trở đi theo nguyên tắc HAI XANH - Lá lúa còn xanh và màu sâu khi quan sát còn xanh.

Vì vậy chỉ nên sử dụng các loại thuốc có tính nội hấp, lưu dẫn và hiệu lực kéo dài để giảm số lần phun, tăng hiệu quả. Nếu mật độ chỉ mới đến ngưỡng phải xử lý (50 con/m2) có thể sử dụng các dòng thuốc tiếp xúc, nên phun sau trưởng thành ra rộ 4 - 7 ngày.

Do sâu cuốn lá lớn, sâu cuốn lá nhỏ, nhện gié, sâu đục thân bướm hai chấm,...thường xuất hiện cùng thời điểm. Vì vậy nên sử dụng các thuốc có nhiều công dụng để đảm bảo hiệu quả. Chỉ nên sử dụng các thuốc có thời gian cách ly từ 14 ngày trở xuống. Hạn chế sử dụng thuốc có thời gian cách ly dài hơn 14 ngày trở lên, như 20, 21...ngày, bởi vì:

  • Vì đây là giai đoạn người nông dân thường xuyên có các hoạt động chăm sóc lúa, nếu thời gian cách ly dài sẽ cản trở công việc này. 
  • Thời gian cách ly quá dài, thì khi nông dân phòng trừ các dịch hại khác sẽ phơi nhiễm với thuốc. Giả sử một thuốc có thời gian cách ly 21 ngày, thì nếu sau 14 ngày xẩy ra dịch hại khác mà phải phòng trừ thì người nông dân sẽ bị phơi nhiễm với thuốc.
  • Thời gian cách ly dài, nghĩa thuốc tồn lưu quá lâu, làm giảm thiên địch của đối tượng dịch hại mà thuốc phòng trừ, do thiếu nguồn thức ăn, dẫn đến nguy cơ sâu kháng thuốc và bùng phát dịch hại khó kiểm soát.
  • Nguy cơ tồn lưu dư lượng trong nông sản khi không đủ thời gian cách ly đã đến kỳ thu hoạch. Nên chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết.