Triệu chứng thiếu lân ở cây ngô: Thường gặp giai đoạn cây con nhiều hơn các giai đoạn khác, trong điều kiện lạnh, quá ẩm hoặc khô, Thiếu nặng có thể gây còi cọc, sức sống yếu, có thể chết cây.
Cây ngô bị thiếu lân thường còi cọc, lá có màu đặc trưng màu huyết dụ (đỏ tím). Bệnh nặng phiến lá chuyển sang màu vàng, ngọn lá từ màu huyết dụ chuyển sang màu đen và bị khô chết. Ở cây ngô đã có bắp, bắp thường nhỏ và có những vòng xoắn. Thiếu lân còn dẫn đến hiện tượng chính muộn. Nguyên nhân thiếu lân có thể do:
Bón thiếu lân: Khi cây ngô từ 5 lá thật, cây ngô tách hoàn toàn dinh dưỡng ra khỏi hạt, rễ bắt đầu thực hiện chức năng sử dụng dinh dưỡng từ đất. Nếu bón thiếu lân, thì bộ rễ sẽ kém phát triển, cây còi cọc và lá chuyển dần màu đỏ tím, nặng có thể gây chết cây.
Đất phèn chua: Hiện tượng thiếu lân cũng xảy ra trên đất phèn, đất trũng dù đã bón đủ lân. Khắc phục hiện tượng thiếu lân bằng cách bón lót phân lân đơn vào đầu vụ, sau đó bón thúc cho cây bằng các loại phân hỗn hợp có hàm lượng lân dễ tiêu cao như DAP, NPK, Đầu Trâu… Nhu cầu lân cho ngô là khoảng 60-90kg P2O5/ha.
Đất khô: Đất khô sẽ khiến lân không tan được, đặc biệt khi bón các phân hỗn hợp NPK nhả chậm, không có nước và lân không tan ra được, dù bón đủ lượng nhưng cây trồng không hấp thụ được. Giai đoạn cây con bộ rễ chưa hoàn thiện, dễ thiếu nhất.
Thời tiết lạnh: Các vụ lạnh, lân khó tan, kể cả đất ẩm và đất khô nếu gặp thời tiết lạnh lân đều khó tan. Nên sử dụng phân lân đơn để tính toán chính xác lượng bón và lân dễ tan hơn cho cây trồng hấp thụ giai đoạn đầu. Có thể kết hợp giữ phân lân đơn và NPK để bón lót.
Biện pháp khắc phục: Đối với đất khô nên tiến hành tưới nước, có thể tưới rãnh để hỗ trợ quá trình tan của phân NPK, hoặc hoà phân lân đơn tưới gốc. Nếu điều kiện thuỷ lợi không cho phép thì có thể tiến hành phun qua lá để hỗ trợ tạm thời lân cho cây ngô.
Sử dụng các phân bón lá dễ tiêu có hàm lượng lân cao, nông dân quen gọi Siêu lân. Nhưng hiện nay trên thị trường có nhiều loại ghi Siêu Lân mà thực tế thành phần không có bất kỳ hàm lượng lân nào. Có thể tạm hiểu siêu lân là hàm lượng lân phải từ 50% trở lên, tốt nhất 55%, 58%, 61%. Bà con nông dân cần đọc kỹ thành phần ghi trên nhãn sản phẩm, chứ không phải là tên “Siêu Lân”.
Nên kết hợp phân bón lá chứa hàm lượng lân cao và co chứa Kali, Magie, để tăng quá trình trao đổi chất cũng như tái tạo diệp lục, Magie có vai trò quan trọng trong cấu tạo nên chất diệp lục của cây trồng.
Nếu thiếu Lân trong điều kiện lạnh, đất khô, đất nhiễm phèn thì sẽ thiếu cả đạm và Kali, vì hiện nay nông dân chủ yếu dùng phân NPK hỗn hợp bón lót, nếu phân không tan được thì thiếu toàn bộ dinh dưỡng NPK. Có thể chọn loại phân bón lá có chứa cả đạm và kali.
Biện pháp bón lá chỉ giải quyết giai đoạn trước mắt, chứ không thể thay thế được phân bón gốc, vì hàm lượng quá thấp so với nhu cầu dinh dưỡng của cây ngô.
Biên soạn: Profesfar Việt Nam