Tuy nhiên người nông dân đang phải đối mặt với nhiều loài dịch hại nguy hiểm, ảnh hưởng sự tồn và phát triển của nghề trồng loại cây này. Một ví dụ điển hình nhất là hiện tượng quất cạnh chết hàng loạt ở Hà Nội. Trong các bệnh gây hại trên cây có múi thì bệnh khô đầu cành do nấm Phoma tracheiphila gây ra là một đối tượng dịch hại nguy hiểm.
Bệnh khô đầu cành do tác nhân là nấm Phoma tracheiphila gây ra trên hầu hết các loài cây thuộc họ cây có múi như cam, chanh, bưởi, quất… Triệu chứng điển hình là bệnh gây khô cành từ phía ngọn trở xuống, kể cả thân, rễ cũng bị loài nấm này tấn công gây hại. Tốc độ bệnh phát triển rất nhanh, sau khi nấm xâm nhiễm gây ra các triệu chứng điển hình bao gồm cây chuyển màu già úa, héo lá, mạch gỗ chuyển màu nâu đỏ dạng cục bộ làm giảm hoặc mất khả năng vận chuyển nước và dinh dưỡng, khô mầm non đầu cành, các nhánh phía đỉnh ngọn, từ các chồi non bệnh nhiễm xuống phần thân phía dưới, khi cây có múi bị nhiễm bệnh nguy cơ chết rất cao. Đặc biệt nếu nấm xâm nhiễm vào thân và rễ thì cây chết nhanh chóng và không có phương pháp nào cứu vãn.
Bệnh phát tán nhờ gió và mưa, nấm xâm nhiễm thông qua vết thương bằng cả bào tử và sợi nấm, bệnh thường xẩy ra trong mùa mưa. Bào tử phát sinh trong điều kiện nhiệt độ từ 10-20oC, có thể nhìn thấy bào tử ở trên các cành khô héo và từ các sợi nấm trên các cành nhiễm bệnh. Nhiệt độ tối ưu cho nấm phát triển là 25oC, nhiệt độ biểu hiện triệu chứng và làm phần gỗ chuyển nâu cục bộ là 20-22oC. Ở nhiệt độ trên 28oC thì nấm ngừng phát triển và không biểu hiện triệu chứng.
Bệnh cũng lây lan thông qua dụng cụ cắt tỉa, hoặc các cành lá bị nhiễm bệnh tàn dư trên mặt đất, bệnh xâm nhiễm qua rễ bị tổn thương. Lá bị nhiễm bệnh thường rụng xuống đất vào mùa thu và mùa xuân. Một đặc trưng của nấm này là sản xuất bào tử phialoconidia, đây là những bào tử có khả năng di chuyển trong mạch gỗ và hình thành nên sợi nấm trong cây, và khi bào tử dừng ở vị trí nào thì bào tử nảy mầm tạo thành sợ nấm gây ra vết bệnh mới. Lúc này thì không thể cứu chữa và cây chết rất nhanh.
Cây gốc ghép cam chua (C. Aurantium), chanh thô (C.jambiri)…lại rất mẫn cảm với bệnh. Các giống có tính kháng tương đối với bệnh này là cam ngọt (C.sinensis), bưởi (C.paradisi), quýt (C.Clementina)…Nói chung là tất cả các loài cam quýt đều có nguy cơ nhiễm bệnh này.
Biện pháp phòng trừ: Đối với bệnh khô đầu cành thì biện pháp phòng là hiệu quả nhất, khi bệnh đã xâm nhiễm vào thân cây, do bào tử có khả năng di chuyển trong mạch gỗ việc phòng trừ bằng biện pháp hóa học hiệu quả không cao. Một số khuyến cáo như sau:
- Kiểm tra vườn thường xuyên trong mùa mưa, những vườn trồng cây gốc gép, để kịp thời phát hiện bệnh và có biện pháp phòng trừ. Bệnh lây qua vết thương cơ giới nên tuyệt đối không dùng chung dụng cụ cắt tỉa cành giữa các cây bị bệnh với cây khỏe.
- Thu gom hết tàn dư như cành cắt tỉa, thân, cành, rễ và cả từng lá cây bị bệnh rụng xuống vườn cam. Đào bỏ cả rễ cây chết do bệnh gây ra, thiết kế vườn cam có khả năng thoát nước tốt vào mùa mưa, tỉa cành tạo tán thông thoáng, để ngăn chặn nguồn bệnh lây lan.
- Có thể phòng bệnh trong điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển bằng thuốc hóa học như nhóm Strobilurin như Conabin 750WG, Distrobin 25SC, nhóm Dithiocarbamate như Vosong 800WP.
- Đối với cây có múi, không thể khuyến cáo theo liều lượng thuốc/ha mà liều lượng thuốc phụ thuộc vào tuổi cây có múi, ví dụ một cây cam trưởng thành có 150.000-200.000 lá với diện tích lá tương đương 200m2 tức là cần một lượng nước phun 8-10 lít cho một cây trưởng thành. Vì vậy khuyến cáo người nông dân pha theo nồng độ khuyến cáo và phun ướt đều trên tán lá, tùy vào tuổi cam mà lượng nước phun nhiều ít khác nhau. Ví dụ với mancozeb 80% thì pha từ 1,5-2 gam thuốc/1lít nước.
Biên soạn: Thạc sĩ Phan Anh Thế (Profesfar Việt Nam)